Bài 5: Bàn về Thầy Cúng - Đạo sĩ - Tu Sĩ - Tăng Sĩ ngày nay
Trong thời mạt Pháp, đa số là các Tu Sĩ, Tăng sĩ, giáo sĩ, đạo sĩ, cư sĩ, thầy cúng, thầy bói, thầy phong thủy...) nghèo nàn từ hình thức đến tinh thần. Họ góp nhặt vài phép tu, vài phương pháp dưỡng sinh, vài câu thần chú, rồi kiếm ăn qua sự mê tín của dân chúng. Phần lớn những tu sĩ này đều là những kẻ thất bại ngoài đời, lười biếng, không chịu làm việc. Hình thức dễ nhất để có cơm ăn, áo mặc, là trở nên một tăng sĩ, đạo sĩ, tu sĩ, sống trên lòng sùng tín của dân chúng. Vì không có một tiêu chuẩn kiểm soát nào, nên bất cứ ai cũng có thể trở thành tăng sĩ, đạo sĩ, tu sĩ; chỉ cần khoác lên một tấm áo, học thuộc vài câu kinh, câu trú, vài hình thức lễ nghi, cúng tế là có thể tự xưng tăng sĩ, đạo sĩ, tu sĩ được rồi.
Chính các tăng sĩ, đạo sĩ, tu sĩ giả mạo này là những kẻ làm hoen ố danh dự tôn giáo, lợi dụng đức tin để làm chuyện xằng bậy, ích kỷ cá nhân. Đã thế, họ còn tụ tập phe nhóm, phong chức tước, ca tụng lẫn nhau và đả kích những người không cùng phe nhóm. Thấy làm Thầy coi bộ dễ kiếm ăn hơn nên nhiều người đã “chuyển nghề” trở thành các đạo sư, giáo sĩ chuyên làm tiền các tín đồ ngây thơ, nhẹ dạ.
Dĩ nhiên, vẫn còn các tăng sĩ, đạo sĩ, tu sĩ học thức, dành trọn đời cho việc đi tìm chân lý. Họ vẫn tu hành, không để ý đến sự kiện các tu sĩ giả lợi dụng sự để mưu cầu lợi lộc. Các giáo sĩ quan niệm có nhiều đường tu khác nhau, ai tu nấy chịu và những kẻ mạo danh, lợi dụng sẽ phải chịu hậu quả ngay ở kiếp này và cả kiếp sau.
Theo thời gian, các bậc tu sĩ thánh thiện mỗi ngày một hiếm, thì các đạo sĩ, thuật sĩ giả mạo nổi lên mỗi ngày một nhiều. Hàng ngàn người dốt nát, vô học đi lang thang với các chức tước rất lớn như đạo sư, giáo sĩ, thánh nhân. Họ chỉ dựa vào những ngày hội, ngày lễ, các đền, chùa lên mặt này nọ để quyên tiền. Dĩ nhiên họ là gánh nặng của xã hội, vì chỉ thụ hưởng mà không làm lợi ích gì.
Xét cho cùng, một phần lỗi cũng là do sự tôn sùng tôn giáo quá mạnh của dân chúng. Họ không phân biệt một Đạo Sư tu hành chân chính, gìn giữ giới luật nghiêm minh, với những kẻ bịp đời. Lòng sùng tín khiến họ trở nên ngây thơ, nhẹ dạ, sẵn sàng làm theo sự mách bảo của các bậc tu hành. Một lý do nữa là sự ỷ lại vào sức mạnh thần quyền. Đa số các tín đồ mải mê với sinh kế, không có thì giờ lo việc tinh thần, nên họ uỷ thác cho các giáo sĩ cầu nguyện dùm, và đồng hoá việc giải thoát với việc trung thành vào một bậc giáo sĩ. Đa số các giáo sĩ lợi dụng vấn đề này tối đa, hứa hẹn sẽ chăm lo tinh thần giáo dân bằng cách cầu nguyện cho họ. Các giáo sĩ này tự hào đã tu hành đắc đạo, đã có thể giao tiếp với Thế giới Tâm Linh, và là người trung gian giữa trời và người. Họ sống trong các đền đài đẹp đẽ, hưởng thụ vật dụng được cúng, và nhân danh thượng đế để đòi hỏi này nọ.
Mỗi người tự nhận là ăn lộc của Vị này ngài kia, xưng hùng, xưng bá, giảng kinh điển theo quan niệm của mình từ cụ thể đến trừu tượng…Không ai chịu theo ai, và còn tranh luận lung tung khiến các tín đồ không còn biết đâu mà lần. Cũng vì không làm gì, quá nhàn hạ, họ đâm ra chống báng , đả kích lẫn nhau.
Tuy thế, với gia tài minh triết lớn lao tiềm ẩn, vẫn có các Bậc chân tu đạo hạnh, sống kín đáo để giữ cho ngọn lửa tâm linh luôn cháy sáng và vẫn có những người tha thiết mong cầu chân lý, sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi tìm chân lý. Sự kiện từ bỏ tất cả để đi tìm đạo cũng là một nét rất đặc biệt của Á châu, vì người Âu Mỹ khó có thể chấp nhận vấn đề từ bỏ của cải, vật chất, để chạy theo một viễn ảnh trừu tượng, viễn vông, không thiết thực. Người Âu cả quyết rằng sự tìm kiếm chân lý là vô ích, hạnh phúc là hưởng thụ tất cả những gì cuộc đời có thể mang lại vì chết là hết! Nếu như thế, thì mục đích cuộc đời là gì ? Tại sao chúng ta lại sinh ra để chết ? Văn hoá Âu tây đã không giải thích được vấn đề này một cách rốt ráo. Biết bao nhà triết học nổi danh đã nhức óc về đề tài này, nhưng đa số đều chỉ nói một cách quanh co, không đi đến một kết luận nào chắc chắn. Họ chỉ nói rằng có thể như thế này, hay cũng có thể như thế khác mà thôi. Cho đến khi người Âu thật sự giao tiếp với người Á châu, thì họ bỗng bật ngửa, vì tất cả những gì họ thắc mắc thì người Á châu đã có những câu trả lời từ nhiều ngàn năm về trước
Mọi người quan niệm Đạo Sư phải là người có bằng cấp, tốt nghiệp những đại học nổi tiếng, có tài ăn nói hấp dẫn. Quan niệm người phương đông không như vậy. Một đạo sư không nhất thiết phải tốt nghiệp trường học chuyên môn, viết những sách vở cao siêu, mà ở những điều ngài khêu gợi, thức tỉnh tâm thức được cho mình. Gần các ngài, mới hiểu thế nào là bình an. Chân Sĩ thường đắm mình trong những cơn thiền định sâu xa. Đạo Sĩ làm tròn công việc hàng ngày của mình với đời. Nhưng tâm hồn lúc nào cũng tưởng nhớ đến Tâm Linh. Cư sĩ hàng ngày vẫn đi làm nhưng sống giữa cõi đời, mà cái tôi không còn tùy thuộc vào đời.
Hoàng Trà, ngày 30-04-2017, không sao chép dưới mọi hình thức